Phân khúc sơn nào sẽ chiếm lĩnh thị trường cuối năm?

Ngày đăng: 13/01/2023 09:39 AM

    Nhiều dự án Bất động sản đẩy nhanh tiến độ, nhu cầu về xây dựng, sửa chữa nhà cửa tăng cao vào cuối năm khiến thị trường sơn Việt trở nên sôi động hơn.
    Cạnh tranh khốc liệt
    Trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định thị trường bất động sản có đã có dấu hiệu dần phục hồi trở lại với nguồn cung 11.600 căn nhà, tăng 70,5 % so với cùng kỳ năm ngoái.

    Nhìn tổng thể, loại hình căn hộ chung cư hiện nay vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với hơn 86,7% tổng diện tích nhà ở xây dựng mới, nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Điều này minh chứng cho việc tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sơn trang trí & vật liệu xây dựng trong thời gian qua là điều tất yếu.

    Phân khúc sơn nào sẽ chiếm lĩnh thị trường cuối năm?
    Cùng với sự phát triển của ngành xây dựng, thị trường sơn có nhiều tiềm năng tăng trưởng với nhiều thương hiệu và sản phẩm mới

    Việt Nam hiện có khoảng hơn 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn nước. Do đó, thị trường sơn trong nước đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các nhãn sơn trong và ngoài nước.

    Từ những ông lớn như Dulux, Jotun, Nippon Paint, 4 Oranges đến nhiều thương hiệu vừa và nhỏ như Alex, Kavic, Joton, Jymec... đều đang cố gắng tạo lập chỗ đứng trên thị trường khi liên tục cải tiến, đa dạng về chủng loại, tính năng, màu sơn... khiến cho việc cạnh tranh có phần khốc liệt.

    Đơn cử, thương hiệu sơn Dulux mới đây đã cho ra mắt thị trường sản phẩm Dulux Weathershield dành cho sơn ngoại thất, Dulux 5 trong 1 dành cho sơn nội thất với tính năng làm mát có công nghệ phản xạ nhiệt làm giảm nhiệt độ bên ngoài bức tường so với loại sơn ngoài trời thông thường.

    Tương tự, Jotun Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm sơn ngoại thất Jotashield chống phai màu, giúp kéo dài thời gian sơn phủ lại ngôi nhà. Trong khi đó, sản phẩm sơn Mykolor, Spec của 4 Oranges được tích hợp những đặc tính an toàn sức khỏe người dùng, không chứa chì, thủy ngân...

    Trong khi đó, các hãng sơn Việt cũng đang nỗ lực để giành lại thị phần bằng chất lượng và đặc biệt là phát triển hệ thống phân phối.

    Thời gian qua, một số công ty trong nước đã đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường với các thương hiệu như Jaguar, Nanogold, Kova, Infor, Jymec…

    Kỳ vọng sôi động cuối năm
    Theo số liệu của Hiệp hội Sơn Việt Nam, tổng sản lượng sơn trong nước đạt gần 250 triệu lít/năm, trong đó mảng sơn trang trí đã chiếm 180 triệu lít.

    Phân khúc sơn nào sẽ chiếm lĩnh thị trường cuối năm?

    Thị trường sơn được kỳ vọng sẽ sôi động hơn vào cuối năm bởi đây là mùa cao điểm xây dựng

    Tăng trưởng kinh tế ổn định được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển của ngành sơn và chất phủ tại Việt Nam với mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 9%. Dự kiến cuối năm 2022, thị trường bán lẻ sơn và chất phủ trang trí tại Việt Nam sẽ tăng 30%, từ 89.000 tỉ đồng lên 107.000 tỉ đồng.

    Sau đại dịch Covid-19, phân khúc sơn dành cho nhà ở đang có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, chiếm thị phần lớn trong tổng kim ngạch sản phẩm ngành sơn và chất phủ với 62% sản lượng.

    Thị trường sơn được kỳ vọng sẽ sôi động hơn vào thời điểm cuối năm bởi đây là mùa cao điểm xây dựng và nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng cao, cùng với việc nhiều công trình đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.

    Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, doanh nghiệp sản xuất sơn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Các doanh nghiệp sản xuất sơn đều đưa ra mức chiết khấu từ 15-35% cho các đại lý, đồng thời mạnh tay khuyến mại đến người tiêu dùng.

    Phân khúc sơn nào sẽ chiếm lĩnh thị trường?
    Trên thị trường, hàng loạt các thương hiệu sơn nước với nhiều tính năng được giới thiệu nên việc chọn lựa loại sơn phù hợp là điều mà nhiều khách hàng băn khoăn hiện nay.

    Thông thường, các chủ đầu tư hoặc nhà thầu khi chọn sơn trang trí sẽ cân nhắc giữa giá cả, chất lượng và thương hiệu. Sau cùng sẽ so sánh về độ phủ, độ bóng, màu sắc cùng các tiêu chí khác như chống rạn nứt, tự làm sạch, chống thấm, chống nóng... Dòng sơn nào đảm bảo được các tiêu chí này sẽ được lựa chọn.

    Phân khúc sơn nào sẽ chiếm lĩnh thị trường cuối năm?

    Phân khúc sơn acrylic dự kiến sẽ chiếm lĩnh thị phần trong những năm tới

    Bên cạnh đó, việc bảo vệ sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu nên những loại sơn có thêm tính năng kháng khuẩn, chống bám bụi ngày càng được ưa chuộng trong các công trình xây dựng dân dụng, đặc biệt là các dự án căn hộ.

    Vì vậy, các hãng sơn hiện nay không ngừng nghiên cứu sáng tạo để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, không chỉ đẹp về màu sắc mà còn phải thân thiện với môi trường.

    Dựa theo ứng dụng, thị trường sơn có thể được chia thành lớp phủ công nghiệp và lớp phủ kiến ​​trúc. Trong đó, phân khúc kiến ​​trúc dự kiến ​​sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thời gian tới. Hiện dòng sơn này chiếm khoảng 62% thị trường sơn và chất phủ tại Việt Nam tính theo khối lượng.

    Theo lớp phủ, sơn nước được phân chia theo các loại nhựa như polyester, acrylic, alkyd, polyurethane, epoxy, polytetrafluoroetylen (PTFE), polyvinylidene clorua (PVDC) và polyvinylidene Fluoride (PVDF). Từng loại nhựa khác nhau sẽ có tính chất hóa học và độ thẩm mỹ khác nhau.

    Các chuyên gia dự kiến, lớp phủ acrylic sẽ được sử dụng rộng rãi hơn cả nhờ ưu điểm về độ bền, tính linh hoạt, khả năng chống tia cực tím và giữ màu cao, giúp nâng cao chất lượng lớp phủ trong các ngành công nghiệp tái chế, y tế, ô tô và kim loại.

    Vì vậy, phân khúc sơn acrylic dự kiến sẽ chiếm lĩnh thị phần trong giai đoạn những năm tới.

    Zalo
    Hotline